Có nên mua phụ tùng ô tô không chính hãng?
Giữa ma trận các loại phụ tùng ô tô bán trên thị trường, đòi hỏi cần có kinh nghiệm để lựa chọn được sản phẩm có chất lượng tốt và giá cả phải chăng. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này. Để tạo nên chiếc ô tô hoàn thiện chúng ta vẫn đi hàng ngày, các hãng sản xuất đã phải lắp ráp từ hàng nghìn linh kiện, phụ tùng khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn các hãng xe không tự mình chế tạo tất cả những linh kiện, phụ tùng ấy. Họ chỉ chế tạo những bộ phận quan trọng như khung sườn, thân xe, động cơ v.v… Những phụ tùng khác như phanh, ly hợp, giảm xóc, lọc dầu, lọc gió có thể được các hãng đặt hàng từ một công ty bên ngoài sản xuất và chuyển đến nhà máy của hãng xe để kiểm định chất lượng sau đó tiến hành lắp ráp.
Phụ tùng chính hãng tốt nhưng đắt nhất trên thị trường
Các hãng xe thường ký kết hợp đồng ràng buộc với công ty sản xuất phụ tùng, yêu cầu các công ty này không được bán sản phẩm ra thị trường trong một khoảng thời gian nhất định.
Kết thúc thời hạn, các công ty sản xuất phụ tùng mới được bán sản phẩm trực tiếp cho người dùng dưới tên thương hiệu riêng của mình. Loại phụ tùng này được gọi là phụ tùng OEM (Original equipment manufacturer- là những công ty chuyên sản xuất các thiết bị, phụ tùng gốc theo đơn hàng của nhà sản xuất khác và được gắn nhãn hiệu của nhà sản xuất).
Phụ tùng OEM và phụ tùng chính hãng tuy do cùng 1 công ty sản xuất, cùng theo một thông số kích thước nhưng lại mang 2 nhãn hiệu khác nhau, 2 chế độ bảo hành khác nhau. Trên thị trường giá bán của dòng phụ tùng OEM thường chỉ bằng 70% so với phụ tùng chính hãng.Ngoài loại phụ tùng OEM, còn tồn tại một loại phụ tùng khác là phụ tùng Aftermarket (hậu mãi), do các công ty thứ 3 sản xuất. Các công ty này mua quyền sản xuất phụ tùng từ các hãng xe và các sản phẩm của họ cũng không cần thiết phải giống hoàn toàn theo phụ tùng chính hãng mà có điều chỉnh tùy theo mục đích sử dụng. Trên thị trường, giá của phụ tùng Aftermarket thường rẻ hơn phụ tùng OEM.
Nên sử dụng phụ tùng chính hãng, OEM hay Aftermarket?
Như đã nêu ở trên, phụ tùng chính hãng được chế tạo theo yêu cầu đặt hàng của hãng xe, được hãng xe chứng nhận về chất lượng nên sử dụng loại sản phẩm này yên tâm nhất, được hưởng chính sách bảo hành từ chính nhà sản xuất xe hơi.
Tuy nhiên, nhược điểm của phụ tùng chính hãng là giá đắt. Đặc biệt, ở các dòng xe sang của Đức như Mercedes, BMW… giá phụ tùng chính hãng đặc biệt cao. Có những trường hợp đại lý báo giá cặp gương xe Mercedes lên tới 150 triệu/cặp. Bằng gần 1/10 giá trị xe mới.
Với đa số khách hàng, mức giá của phụ kiện OEM dễ chịu hơn nhiều và chất lượng cũng không quá thua kém so với phụ kiện chính hãng. Tuy nhiên, khi sử dụng phụ tùng OEM bạn chỉ nhận được bảo hành của nhà sản xuất linh kiện.
Đối với những dòng xe mới, phụ kiện OEM cũng không có sẵn vì các công ty sản xuất phụ kiện OEM bị chịu ràng buộc thời điểm bán hàng chậm hơn so với các hãng xe.
So với 2 loại phụ tùng chính hãng và phụ tùng OEM, phụ tùng Aftermarket thường có giá rẻ nhất, bằng khoảng 60-70% so với phụ tùng OEM.
Với một số dòng xe phổ biến, phụ tùng Aftermarket luôn sẵn hàng, phong phú về chủng loại, kiểu dáng và có thể mua được ở nhiều cửa hàng, gara sửa chữa khác nhau.
Tuy nhiên nhược điểm của phụ tùng Aftermarket là chất lượng thượng vàng hạ cám, có quá nhiều loại khiến người sử dụng lâm vào mê trận. Nếu không phải là người am hiểu xe thì dễ ôm phải quả đắng.
Vì vậy, đối với những người sử dụng không có kinh nghiệm, điều quan trọng nhất khi mua phụ tùng Aftermarket là lựa chọn thương hiệu uy tín. Việc này giúp bạn giảm thiểu được phần lớn rủi ro khi sửa chữa xe. Một số công ty sản xuất phụ tùng Aftermarket nổi tiếng có thể kể đến như: Bosch, Denso, Bilstein…
Thậm chí, có những công ty chuyên sản xuất phụ tùng Aftermarket hiệu suất cao, có chất lượng còn tốt hơn cả phụ tùng chính hãng. Ví dụ: phanh Brembo, phuộc Ohlins…