3 Dấu hiệu nhận biết lỗi cảm biến áp suất dầu

Cảm biến áp suất dầu thực hiện nhiệm vụ kiểm soát lượng chất lỏng đi vào bên trong động cơ. Khi bộ phận này xảy ra sự cố, quá trình bôi trơn gặp trục trặc, lực ma sát tăng lên làm cho máy móc vận hành thiếu ổn định. Do đó, chủ xe nên thường xuyên kiểm tra để phát hiện và xử lý kịp thời các hư hỏng. Cảm biến ô tô là bộ phận không thể thiếu trong hệ thống điều khiển điện tử. Người dùng có thể dựa vào những dấu hiệu như: đèn cảnh báo áp suất dầu phát sáng, nhấp nháy liên tục hoặc đồng hồ đo áp suất dầu hiển thị lỗi,... để xác định dấu hiệu cảm biến áp suất dầu đang gặp vấn đề. 

3 Dấu hiệu nhận biết lỗi cảm biến áp suất dầu

1. Cảm biến áp suất dầu là gì?

Cảm biến áp suất dầu là một công tắc điện đơn giản, có nhiệm vụ đo lường, kiểm soát áp suất dầu bôi trơn và gửi dữ liệu đến đồng hồ thông tin/bảng điều khiển điện tử. Nhờ đó, người lái dễ dàng nắm bắt lượng chất lỏng đang được bơm vào hệ thống. Nếu dầu được bơm đầy đủ sẽ đem đến hiệu quả bôi trơn tốt, giảm ma sát, giúp máy móc vận hành êm ái và trơn tru. 

Trong quá trình làm việc, cảm biến theo dõi áp suất của chất lỏng và truyền dữ liệu đến ECU. Tùy theo mức áp suất mà ECU sẽ gửi tín hiệu bật sáng đèn cảnh báo trên bảng điều khiển để người dùng nắm thông tin và có biện pháp xử lý kịp thời.

Cấu tạo của cảm biến suất áp suất dầu bao gồm: màng ngăn và công tắc lò xo được đặt sát bên một khối động cơ và kết nối với mạch dầu. Khi áp suất dầu vượt quá mức tiêu chuẩn trên màng ngăn, các tiếp điểm sẽ buộc phải tách ra và phát đèn cảnh báo. Trong trường hợp ngược lại, công tắc sẽ đóng và tiến hành giải phóng áp suất từ các lò xo.

Dưới đây là hai loại cảm biến đo áp suất dầu phổ biến:

  • Công tắc áp suất dầu: Là một thiết bị cơ khí có công tắc bên trong với thiết kế gồm một, hai hoặc ba chân tùy vào loại động cơ. Các bộ phận này sẽ đóng lại để báo hiệu áp suất dầu thấp.

  • Bộ gửi áp suất dầu: Là một dạng của cảm biến đo áp suất dầu, có khả năng phát hiện và gửi thông số của động cơ đến bộ điều khiển hoặc máy móc. Loại này được sử dụng tương tự như một công cụ bảo vệ máy phát điện, hiển thị áp suất để người lái nắm bắt. Đặc biệt, bộ gửi có thể hiển thị nhiều giá trị khác nhau, không giống như dạng công tắc.

2. Dấu hiệu cảm biến áp suất dầu đang gặp vấn đề

Là một phần quan trọng hệ thống điều khiển điện tử, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình khởi động và tăng tốc của xe, cảm biến áp suất dầu bắt buộc phải hoạt động chính xác. Nếu có sự cố xảy ra với bộ phận này, ECU không thể làm tốt nhiệm vụ kiểm soát động cơ. 

Dấu hiệu cảm biến áp suất dầu đang gặp vấn đề

2.1. Đèn báo áp suất dầu phát sáng

Đồng hồ đo áp suất dầu trên bảng điều khiển hiển thị tình trạng mức dầu của động cơ. Nếu đèn báo sáng nhưng dầu trong động cơ vẫn ở mức tiêu chuẩn thì nguyên nhân có thể là do cảm biến bị lỗi. Khi bộ phận này xảy ra trục trặc, kết quả thu được sẽ không chính xác. Do đó chủ xe nên thay mới cảm biến để hạn chế các sai sót xảy ra.

Đèn cảnh báo phát sáng là một trong những dấu hiệu cảm biến áp suất dầu đang gặp vấn đề (Nguồn: Sưu tầm)

2.2. Đèn áp suất dầu nhấp nháy liên tục

Cảm biến đo áp suất dầu bị hỏng cũng là nguyên nhân khiến đèn báo nhấp nháy liên tục. Để xử lý tình huống này, người dùng nên mang phương tiện đến các trung tâm sửa chữa để xác định mức độ hư hỏng và tiến hành thay mới trong trường hợp cần thiết. 

2.3. Đồng hồ đo áp suất dầu hiển thị lỗi 

Hiện nay, hầu hết các dòng xe ô tô đời mới đều được trang bị đồng hồ đo cơ học giúp người lái nắm bắt thông tin áp suất dầu. Đồng hồ chỉ mức rất thấp thậm chí về mức 0 tức là hệ thống áp suất dầu lỗi. Điều này ảnh hưởng đến quá trình vận hành của hệ thống, làm giảm độ chính xác kết quả hiển thị. Đây là một trong những dấu hiệu cảm biến áp suất dầu gặp sự cố phổ biến.

3. Cách thay thế cảm biến áp suất dầu

Nếu nhận thấy cảm biến áp suất dầu ô tô bị hỏng, chủ xe cần tham khảo quy trình và thực hiện thay mới để đảm bảo động cơ vận hành trơn tru trở lại. 

Cách thay thế cảm biến áp suất dầu

  • Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ.

Trước khi thay cảm biến, chủ xe cần chuẩn bị một bộ tuốc nơ vít, khăn mềm, keo dán chuyên dụng và một bộ cờ lê. 

  • Bước 2: Tìm vị trí của cảm biến áp suất dầu. 

Tùy thuộc vào thiết kế của nhà sản xuất, chủng loại và kết cấu động cơ, vị trí của cảm biến áp suất trên mỗi xe có thể khác nhau. Thông thường, bộ phận này thường được lắp đặt gần đáy của đầu xi lanh phía trong lốc máy. Tuy nhiên, nhiều trường hợp cảm biến cũng có thể chỉ được gắn vào đầu xi lanh. 

  • Bước 3: Rút phích cắm đầu nối điện của cảm biến áp suất dầu.

Người sửa chữa tiến hành rút phích cắm của cảm biến, kéo đầu nối điện ra bằng cách nhả chốt giữ. 

  • Bước 4: Tháo cảm biến áp suất dầu. 

Tiếp đến, người sửa chữa cần sử dụng cờ lê hoặc ổ cắm để tháo cảm biến đo áp suất dầu để kiểm tra và xác định nguyên nhân hư hỏng. Công tắc áp suất dầu được lắp ở nơi có dầu điều áp, do đó người sửa chữa nên thận trọng tuyệt đối khi thực hiện.

  • Bước 5: Thay thế cảm biến áp suất dầu mới.

Sau khi hoàn thành các bước trên, người sửa chữa tiến hành đặt cảm biến mới vào đúng vị trí và vặn chặt. Sau đó, lắp đầu nối điện sau khi vặn lại bằng cờ lê. Cuối cùng, chủ xe chỉ cần khởi động động cơ và quan sát chỉ số áp suất dầu để chắc chắn bộ phận đã vận hành ổn định trở lại.

Cảm biến áp suất dầu đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát lượng dầu đưa vào bên trong động cơ. Bất cứ sự cố nào xảy ra với bộ phận này cũng có thể khiến khả năng vận hành bị ảnh hưởng và gây nguy hiểm cho quá trình lái xe. Do đó, ngay khi phát hiện thấy các dấu hiệu bất thường, chủ phương tiện nên đưa ô tô đến các trung tâm sửa chữa uy tín để được kiểm tra và xử lý kịp thời.